Cơn bão Yagi đổ bộ trực tiếp vào miền Bắc với cường độ mạnh, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành kinh tế và các doanh nghiệp. Ngay khi cơn bão đi qua, nỗ lực phục hồi sản xuất – kinh doanh là công việc được nhiều doanh nghiệp, đơn vị tại các khu công nghiệp (KCN) tập trung triển khai.
Cộng đồng doanh nghiệp tại các địa phương phía Bắc đã bắt đầu dọn dẹp và khôi phục hoạt động kinh tế, sản xuất – kinh doanh. Tuy nhiên cũng còn nhiều đơn vị khác đang tạm dừng hoạt động do những khó khăn khách quan và có nguy cơ phải đóng cửa.
Để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, tiếp tục phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 khoảng 6,8-7%, Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành và 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi bão số 3 khẩn trương, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Theo các chuyên gia kinh tế, các giải pháp, sự hỗ trợ thiết thực từ Nghị quyết 143/NQ-CP, các doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn và nhanh chóng phục hồi sau bão lũ. Điều quan trọng là cần kịp thời đánh giá thiệt hại, nắm bắt cơ hội từ các chính sách ưu đãi và đặc biệt cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong quá trình khắc phục hậu quả bão lũ.
Các địa phương trong tỉnh cũng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cải tạo, phục hồi đất, diện tích lúa và cây trồng nhằm nhanh chóng đưa sản xuất nông nghiệp ổn định trở lại.
Ông Nguyễn Thành Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tuyên Quang cho biết, trước những thiệt hại nặng nề do bão lũ, tỉnh đã nhanh chóng thực hiện các phương án khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất.
Tại huyện Chiêm Hóa, ông Phạm Văn Cầu, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang cho biết, nhiều bà con chăn nuôi lợn, trâu bò trên địa bàn đã kịp di chuyển vật nuôi nhưng các chuồng trại bị ngập sâu. Hiện tại, chính quyền địa phương phối hợp với cán bộ nông, lâm nghiệp tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình chăn nuôi dọn dẹp vệ sinh chuồng trại. Hầu hết các hộ đã tiến hành rửa chuồng trại bị ngập, phun thuốc khử trùng, rắc vôi xử lý môi trường đảm bảo các điều kiện tái sản xuất.
Thống kê cho thấy, ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 cùng với việc xả lũ thủy điện Tuyên Quang đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành nông nghiệp. Theo đó, 5.430 ha lúa bị đổ, ngập; trên 3.420 ha ngô, sắn, hoa màu và trên 843 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng; 720 ha cây lâm nghiệp bị đổ, gãy; tràn bờ trên 583 ha ao, hồ gây thiệt hại 415 lồng cá nuôi trên sông Lô...
Tại tỉnh Quảng Ninh đang dồn lực khắc phục thiệt hại, khôi phục hoạt động sản xuất, tái thiết các công trình xây dựng, tài sản, cơ sở vật chất bị thiệt hại và khôi phục kinh tế sau thảm họa YAGI.
Địa phương cũng thống nhất dành 1.000 tỷ đồng cho khắc phục hậu quả bão, trong đó một nửa để thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau bão Yagi trên địa bàn tỉnh.
Ngoài Hải Phòng thì Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương… cũng là những địa phương có các nhà máy sản xuất lớn và có nhà máy nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, việc duy trì sản xuất liên tục có ý nghĩa rất lớn đối với không chỉ người lao động, doanh nghiệp mà còn của nền kinh tế.
Mặc dù một số doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại, nhưng nhiều đơn vị khác vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn lớn. Theo thống kê tại Quảng Ninh, có hơn 11.000 khách hàng với tổng dư nợ 10.654 tỉ đồng bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả của bão Yagi, trong đó có nhiều người nuôi trồng thủy hải sản. Tại Thái Nguyên, Công ty cổ phần Tài Đức Phú HDH – một doanh nghiệp nông nghiệp – vẫn chưa thể tái khởi động do khu vực xung quanh còn ngập, nước chưa rút và nhân sự chưa thể đi làm trở lại.
Để khắc phục nhanh hậu quả của bão số 3, Tổng cục Thuế đã có văn bản đề nghị Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung triển khai rà soát, thống kê tình hình thiệt hại, xác định các khu vực cần hỗ trợ; huy động các lực lượng xung kích, đoàn viên thanh niên, công đoàn để nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục thiệt hại, dọn vệ sinh môi trường, ổn định tổ chức, không để đình trễ công việc, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp (DN). Đồng thời, có biện pháp hỗ trợ, thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các đơn vị, cán bộ công chức, người lao động bị thiệt hại do bão; chủ động báo cáo với chính quyền địa phương về tình hình ảnh hưởng do bão, lũ gây ra; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trên địa bàn trong triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sau bão và các hoạt động hỗ trợ, thăm hỏi, động viên, chia sẻ với nhân dân bị ảnh hưởng do bão, lũ gây ra.
Tiếp tục đề xuất với Chính phủ, bộ, ngành Trung ương sửa đổi các tiêu chuẩn, quy phạm thích ứng với biến đổi khí hậu; quan tâm tập trung đầu tư một số công trình ứng phó với biển đổi khí hậu, nước biển dâng trong giai đoạn hiện nay. Báo cáo Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi bão và mở rộng đối tượng hỗ trợ là doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 02 của Chính phủ; các bộ, ngành nghiên cứu cho khoanh, giãn nợ theo hướng được áp dụng đối với ngành du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghiệp; chỉ đạo ngân hàng thương mại có chính sách giảm lãi suất; chính sách cho các hộ sản xuất bị thiệt hại nặng nề bởi bão được vay vốn; đề nghị cho tăng vốn điều lệ cho các doanh nghiệp lâm nghiệp, miễn tiền thuê đất đối với doanh nghiệp lâm nghiệp và hộ nuôi trồng thủy sản trên biển; chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp, Than - Khoáng sản Việt Nam có chính sách giãn thời gian trả nợ đối với các hộ trồng rừng để tạo điều kiện cho các hộ khôi phục sản xuất.
Mặc dù bão Yagi là cơn bão lớn chưa từng có trong thời gian qua, đặc biệt tâm bão đi thẳng vào vùng biển và đất liền tỉnh Quảng Ninh, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chủ động; sự chỉ huy, phối hợp, điều hành kịp thời, sâu sát, sự cố gắng, nỗ lực của toàn tỉnh và quan tâm chỉ đạo của Trung ương, các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, tất cả đã nỗ lực hạn chế thấp nhất các thiệt hại chưa từng có về con người, tài sản. Các mặt hàng, dịch vụ, lĩnh vực sản xuất thiết yếu cơ bản được khắc phục, nhiều mặt trở lại bình thường, một số lĩnh vực có chuyển biến nhanh hơn dự kiến. Công tác hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão lũ, ổn định đời sống được triển khai chủ động, kịp thời.